Theo Cục Hải quan TP.HCM, ngày 5-4-2011, một doanh nghiệp làm thủ tục theo loại hình kinh doanh tạm nhập, tái xuất gần 3.000 tấn thép lá cán nóng dạng tấm, chưa tráng phủ mạ, không hợp kim, có xuất xứ từ Trung Quốc. Sau khi mở tờ khai được nửa tháng, doanh nghiệp xin khai bổ sung, với lý do chuyển loại hình từ tạm nhập, tái xuất sang nhập khẩu kinh doanh tiêu thụ nội địa.
Sau khi chấp nhận cho doanh nghiệp khai bổ sung chuyển đổi loại hình, chi cục hải quan cửa khẩu đã thực hiện giám định chất lượng hàng hóa tại Trung tâm Tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3. Tuy nhiên, khi có kết quả chứng thư giám định, doanh nghiệp không nộp kết quả giám định cho cơ quan Hải quan để xem xét tính thuế, hoàn thành thủ tục hải quan. Sau đó, hải quan cửa khẩu phải liên hệ trực tiếp với cơ quan giám định để lấy kết quả.
Căn cứ vào kết quả giám định, cơ quan Hải quan phân loại mã hàng hóa để làm căn cứ tính thuế, tuy nhiên sau nhiều buổi làm việc với doanh nghiệp, cả hai bên vẫn chưa thống nhất được quan điểm về phân loại mã HS đối với lô hàng NK.
Mới đây, DN lại có công văn gửi hải quan cửa khẩu đề nghị cho doanh nghiệp bổ sung C/O form E đối với lô hàng nêu trên.
Cục Hải quan TP.HCM cho rằng, theo quy định tại Thông tư 36/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính, thời hạn giá trị hiệu lực của C/O form E là 1 năm tính từ ngày cấp C/O và phải nộp cho cơ quan Hải quan tại thời điểm quy định.
Đối với lô hàng thép nhập khẩu nêu trên, thời điểm doanh nghiệp xin bổ sung C/O form E đã quá thời hạn 1 năm nên đề nghị của doanh nghiệp xin bổ sung C/O để tính thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt không được Cục Hải quan TP.HCM chấp nhận. Việc hồ sơ lô hàng kéo dài vì yếu tố khách quan do bất đồng về mã số HS giữa các bên, chứ không phải căn cứ để xem xét cho doanh nghiệp được bổ sung C/O.
Chí Hiếu