Theo quy định tại Khoản 1 Điều 20 Pháp lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật; Điều 8 và Điều 15 Nghị định số 02/2007/NĐ-CP của Chính phủ về kiểm dịch thực vật thì hàng hóa có nguồn gốc thực vật XK phải kiểm dịch trong các trường hợp: a- Điều ước quốc tế Việt Nam tham gia qui định phải kiểm dịch; b- Nước NK hàng hóa yêu cầu kiểm dịch; c- Hợp đồng mua bán hàng hóa yêu cầu kiểm dịch; d- Chủ hàng hóa XK yêu cầu kiểm dịch.
Trường hợp nêu tại điểm a và b trên đây: Tổng cục Hải quan đề nghị cục hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện theo đúng thông báo của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn hoặc cơ quan kiểm dịch. Trong trường hợp không có thông báo của cơ quan chức năng thì cơ quan Hải quan không yêu cầu chủ hàng phải nộp giấy chứng nhận kiểm dịch khi XK hàng hóa.
Đối với trường hợp nêu tại điểm c nêu trên thì cơ quan Hải quan yêu cầu chủ hàng phải nộp giấy chứng nhận kiểm dịch khi XK hàng hóa; Trường hợp nêu tại điểm d thì cơ quan Hải quan không yêu cầu nộp giấy chứng nhận kiểm dịch khi XK hàng hóa.
Ngoài ra, theo qui định tại Thông tư số 40/2012/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn ban hành danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật, thay thế cho Quyết định số 72/2005/Q-BNN của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn. Theo Tổng cục Hải quan, việc áp dụng thủ tục hải quan đối với hàng hóa XK thuộc Danh mục vật thể phải kiểm dịch thực vật nêu tại Thông tư 40/2012/TT-BNNPTNT hoặc đối với hàng hóa ngoài Danh mục này, cơ quan Hải quan chỉ yêu cầu chủ hàng nộp giấy chứng nhận kiểm dịch trong trường hợp có yêu cầu kiểm dịch nêu tại các điểm a, b và c đã nêu ở trên.
Trước đó, Tổng cục Hải quan đã nhận được phản ánh của DN và một số cục hải quan tỉnh, thành phố thì cách hiểu về đối tượng hàng hóa XK phải kiểm dịch thực vật chưa được thống nhất giữa DN và cơ quan Hải quan, dẫn đến phát sinh vướng mắc trong quá trình làm thủ tục hải quan XK hàng hóa có nguồn gốc từ thực vật.
Thịnh Hưng