Trong bối cảnh nhiều dự án nhà thu nhập thấp tồn hàng trăm căn và lo hết hơi để bán hàng, Tổng công ty Viglacera rút kinh nghiệm bằng cách cắt nhỏ diện tích để giảm giá và kích cầu.
Sau cơn sốt nhà thu nhập thấp đầu tiên một hai năm trước, nhiều dự án giờ đây lâm vào tình cảnh ế ẩm. Sài Đồng (Long Biên - Hà Nội) sau hơn một năm mở bán chỉ có 280 người mua trong tổng số 420 căn. Mặc dù tiến độ đóng tiền được chia làm 7 đợt song với giá bán lên tới 13 triệu đồng mỗi m2 (đã bao gồm VAT), nhiều khách hàng đăng ký mua buộc phải trả lại vì không xoay được tiền. Ông Trần Văn Nguyên, Phó tổng giám đốc Công ty Xây dựng số 3 Hà Nội (Hanco 3) thừa nhận: "Mặc dù giá bán đã tính đúng tính đủ nhưng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, hầu hết các dự án nhà thu nhập thấp đều trong tình trạng chợ chiều, bán ra rất chậm".
Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội số 5 (Handico 5) sau khi hồ hởi xây nhà thu nhập thấp cũng trong tình cảnh tương tự Hanco 3. 420 căn hộ nhà thu nhập thấp dự án Sài Đồng được chào bán từ suốt một năm nay nhưng vẫn còn tồn đến 20%.
|
Để hạ giá thành căn hộ, ngoài việc chia nhỏ diện tích hay sử dụng thiết bị công nghệ, doanh nghiệp mong được giao quỹ đất sạch. Ảnh: H.L |
Trong khi một số dự án khác đã rậm rịch chuẩn bị tiếp tục khởi công thì Handico 5 cho biết chưa có ý định tiếp tục triển khai dự án vì "lo một dự án này cũng hết hơi". "Thêm vào đó lợi nhuận định mức chỉ được 10% nên rất khó để doanh nghiệp mặn mà", ông Trần Văn Can, Chủ tịch HĐQT Handico 5 chia sẻ.
Tổng công ty Viglacera có phần may mắn hơn Hanco, sau khi bán hết 800 căn ở khu nhà thu nhập thấp Đặng Xá 1 (Gia Lâm), đã được Bộ Công an xin mua nhà ở cho các chiến sĩ gần 200 căn còn lại. Nhờ vậy mà "ông lớn" thoát khỏi cảnh tồn kho hàng trăm căn hộ.
Trong bối cảnh thị trường ế ẩm, để tự cứu mình, doanh nghiệp phải nghĩ ra hướng đi mới để kéo giá bán nhà thu nhập thấp xuống. Phó giám đốc Công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Viglacera Nguyễn Thanh Tùng tiết lộ, sau khi triển khai Dự án Đặng Xá 1, căn cứ vào những nhu cầu tiếp nhận, chủ đầu tư đã điều chỉnh diện tích mỗi că hộ nhà khu Đặng Xá 2 xuống còn tối thiểu 30 m2 thay vì 55 m2 như giai đoạn một. Như vậy, tổng giá thành căn hộ đã giảm đi đến gần một nửa để phù hợp với số đông nhu cầu của người dân.
"Thực ra, khi càng phân nhỏ căn hộ thì suất đầu tư càng tăng lên, nhưng chúng tôi vẫn giữ gần ngang bằng giá nhà thu nhập thấp Đặng Xá 1, ở mức 10 triệu đồng mỗi m2", ông Tùng cho hay.
Trước đây, dự án nhà thu nhập thấp Đặng Xá 1 rộng tới 55-70 m2, như vậy, với giá bán 10,3 triệu đồng một m2 (đã VAT), mỗi căn hộ lên tới gần 600-750 triệu đồng. Là đơn vị đầu ngành trong thiết bị gốm sứ, Viglacera hào phóng thiết kế mỗi căn hộ gồm hai phòng ngủ, một phòng khách, phòng bếp, thậm chí có đến 2 nhà vệ sinh. Tuy nhiên, đến dự án Đặng Xá 2, chủ đầu tư đã "rút kinh nghiệm" chia nhỏ căn hộ để giảm giá thành. "Nếu chia nhỏ diện tích căn hộ 30 m2 trở lên thì chỉ còn 300 triệu, người dân có thể tiếp cận được dự án. Như vậy, khi tiếp tục triển khai dự án thì doanh nghiệp sẽ không lo ế hàng", ông nói.
Hiện trên địa bàn thành phố có trên 10 dự án nhà ở nhà thu nhập thấp, ngoại trừ những dự án bán đợt đầu, hầu hết đều rơi vào cảnh ế ẩm. Một trong những nguyên nhân chính là diện tích các căn hộ lớn, giá nhà vượt quá khả năng chi trả của người dân. Thậm chí lãnh đạo Bộ Xây dựng đã nhiều lần nhắc nhở cần xây những căn hộ có diện tích vừa phải đáp ứng số đông.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cũng nhìn nhận, doanh nghiệp cần nghiên cứu xây dựng giá bán cho phù hợp với khả năng chi trả của người nghèo. "Phải nghiên cứu các mô hình quản lý để người nghèo được thụ hưởng tối đa các dịch vụ tiện ích nhưng chi phí ở mức thấp nhất, thậm chí thấp hơn giá trần mà thành phố quy định”, ông Khôi thẳng thắn.
Ông Nguyễn Văn Đa, Phó tổng giám đốc Vinaconex Xuân Mai cho rằng, hơn ai hết bản thân doanh nghiệp luôn muốn giá thành hạ để dễ bán. Tuy nhiên, để doanh nghiệp có động lực triển khai xây nhà thu nhập thấp thì thành phố cần tiếp thêm sức bằng cách đưa ra các chính sách ưu đãi đặc biệt là tiếp cận vốn vay ngân hàng. Thực tế, trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng, doanh nghiệp vẫn chật vật vốn vay. Đơn cử, ông Đa đưa ví dụ, Vinaconex Xuân Mai có mặt trong danh sách được Ngân hàng Phát triển cho vay vốn song trong suốt hai tháng nay, thủ tục vẫn chưa xong dù chủ đầu tư đang rất "sốt ruột". "Ngoài tháo gỡ khó khăn doanh nghiệp, cần phải hỗ trợ vốn vay cho khách hàng", ông Đa nói.
Đồng tình quan điểm trên, ông Nguyễn Thanh Tùng cho rằng, doanh nghiệp xây nhà thu nhập thấp có lợi nhuận định mức không quá 10%. Để xây dựng dự án, chủ đầu tư phải giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng điện đường trường trạm thì tính đúng tính đủ thì mỗi m2 giá bán cũng trên dưới 10 triệu đồng. Do đó, để hạ giá thành căn hộ, ngoài việc chia nhỏ diện tích hay sử dụng thiết bị công nghệ thì chỉ có cách cần có sự hỗ trợ trực tiếp của Chính phủ thông qua việc giao cho chủ đầu tư một quỹ đất sạch đã có đầy đủ hạ tầng.